Quảng Điền là huyện có truyền thống văn hóa lâu đời, hiện huyện đang lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa đặc trưng như: Vật làng Thủ Lễ, Đu tiên An Gia, Phước Yên, Câu ngư ở làng An Lộc, xã Quảng An, Múa náp ở làng Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn và hát Bả Trạo ở xã Quảng Phước và Quảng Phú. Để hát Bả trạo được bảo tôn và phát huy, trở thành món ăn tinh thần của người dân, huyện Quảng Điền đã có những chính sách khuyến khích thúc đẩy bảo tồn và phát huy hát Bả Trạo.
Ngoài những nét đẹp truyền thống như Vật làng Thủ lễ, Múa Náp thôn Tân Mỹ đang được phát huy có hiệu quả, hát Bả Trạo đang dần bị mai mốt. Để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại, huyện Quảng Điền đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phục hồi hát Bả Trạo. Hiện nay tại huyện Quảng Điền có 2 địa phương còn lưu giữ truyền thống hát Bả Trạo đó là xã Quảng Phước và xã Quảng Phú. Hát Bả Trạo là hình thức hát có kết hợp múa, diễn xướng (bả: nắm chắc, trạo: mái chèo) do ngư dân các tỉnh miền Trung từ lâu đời nay sáng tác ra để biểu diễn trong những ngày hội làng, lễ rước cá Ông (cá Voi) hay lễ tế những vị thần, người có công khai canh, khai khẩn hay truyền nghề sông nước cho làng. Suốt quá trình tồn tại và phát triển, họ đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá phi vật thể chứa đầy “chất biển” luôn phù hợp với mọi điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, đó là: Các thế ứng xử, lối sống, phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng…mang đậm sắc thái đặc trưng của văn hoá vùng, miền. Sinh hoạt hát Bả Trạo không chỉ là một hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà nó là một sinh hoạt mang tính chất tâm thức, tâm linh, tín ngưỡng của người dân vùng sông nước huyện Quảng Điền. Những nội dung, ngôn ngữ của hát Bả Trạo mang tinh thần lạc quan, yêu nghề nghiệp, yêu cuộc sống và nguyện vọng của người dân sông nước trước cảnh đẹp của thiên nhiên, sự trù phú của biển cả; mặc dù từng giờ, từng phút luôn phải đối đầu với con sóng ngọn gió, đương đầu với những ác hải… Giá trị nội dung của ngôn ngữ Bả Trạo là một bức tranh tuyệt đẹp, hoàn hảo của người lao động chứa đầy chất lãng mạn, thăng hoa của những người nghệ sĩ “vạn chài” trước cái đẹp, nhưng không kém phần huyền bí, sâu thẳm, mênh mông của biển khơi, sông nước. Chính những giá trị đặc trưng riêng có của hát Bả Trạo, để phục dựng và phát huy gia trị văn hóa truyền thống này, lần đâu tiên huyện Quảng Điền đã đưa vào hoạt động tại lễ tế Miếu Bà Tơ ở thôn Bác Vọng Đông, xã Quảng Phú.
Toàn bộ đoàn hát phải là đàn ông và cũng là người dân trong làng. Dẫn đầu đoàn hát là tổng mũi, tiếp đến là tổng khoang và tổng lái. 3 người này dẫn theo đám bạn chèo chia làm 2 bên trái, phải, mỗi bên 8 người. Tổng mũi mặc áo vàng, quần xanh, đầu quấn khăn đỏ, tay cầm cặp sênh gỗ để gõ nhịp. Tổng khoang mặc như tổng mũi, tay cầm gàu tát nước. Tổng lái mặc áo dài xanh, tay cầm một mái chèo dài hơn 2 mét. Lúc này, đoàn hát có hình dáng một con thuyền chuẩn bị tiến ra biển. Vào giữa buổi diễn, 3 tổng hát về bà Tơ, người có công cứu chúa Nguyễn vượt qua sóng dữ khi đi trên phá Tam Giang và những người đã khai canh, lấn đất biển để hình thành làng bây giờ.
Hát Bả Trạo là một loại hình văn hoá dân gian đáp ứng nhu cầu tinh thần- tình cảm không thể thiếu được của nhân dân, được nảy sinh, bén rễ từ sinh hoạt văn hóa vùng quê sông nước, nhân tố cổ truyền đó không ngừng vận động, biến thiên, bồi đắp theo tiến trình lịch sử, văn hoá, trở thành một loại hình nghệ thuật thể loại “diễn xướng dân gian” đầy tính hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của con người qua các thời đại. Với những giá trí văn hóa đặc trưng của hát Bả Trạo, huyện Quảng Điền đã có những giải pháp thúc đẩy hát truyền thống Bả Trạo thành một món ăn tinh thần của người dân và du khách thập phương như tiến hành thành lập đội hát, thường xuyên nghiên cứu tập luyện những tiết mục diễn xướng thật hấp dẫn, nhuần nhuyễn để đưa ra biểu diễn trong các tuor du lịch, những lễ hội đặc trưng của địa phương như sóng nước Tam Giang, lễ hội cầu ngư.