Địa điểm: Làng Tân Thành thuộc xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, xưa kia là vùng đất ven biển, phá Tam Giang. Sau bao biến cố của lịch sử, ngày nay vẫn còn trên 35% số hộ trong làng duy trì nghề làm mắm cho thu nhập khá cao.
Đặc điểm: Cũng như bao làng quê Việt Nam, nhất là các làng quê ven biển, nghề chế biến mắm, nước mắm xuất hiện từ lâu đời và trở nên nét đẹp truyền thống văn hóa của Làng Tân Thành, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền. Sản phẩm chế biến mắm và nước mắm tuy không cầu kỳ, với những tên gọi rất quen thuộc và dân giã như mắm ruốc, mắm cá, mắm dưa, mắm thính, nước mắm ruốc, nước mắm cá là những món ăn không thể thiếu của người dân quanh vùng và lan xa tới các vùng quê lân cận.
Ngày nay, khi nói đến mắm làng Tân Thành, Quảng Công người ta lại nhớ đến các loại mắm của bà Huỳnh Thị Nghê, Huỳnh Thị Giá.
Làng nghề nước mắm Tân Thành có 35 hộ tham gia sản xuất, trong số đó phải kể đến 2 cơ sở chế biến mắm, nước mắm lớn của bà Hồ Thị Giang và bà Phạm Thị Huê. Để chuẩn bị hàng trưng bày trong dịp lễ hội Sóng nước Tam Giang và Festival Huế 2018, các hộ sản xuất trong làng nghề nói chung, cơ sở chế biến nước mắm bà Giang và bà Huê nói riêng đang ráo riết các công đoạn cuối để tham gia lễ hội.
Là cơ sở sản xuất mắm, nước mắm được nhiều khách hàng đánh giá cao sau 3 kỳ tham dự Festival Huế, dịp Festival Huế 2018 này, cơ sở chế biến nước mắm bà Giang và bà Huê tiếp tục cung ứng trong những ngày lễ hội trên 23.000 lít nước mắm, 12.000 kg ruốc và mắm các loại.
“Đây là lần thứ 4 cơ sở của tôi tham dự Festivall Huế. Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017, cơ sở chúng tôi và nhiều bà con khác trong làng nghề nước mắm Tân Thành đã mang trưng bày hơn 15.000 lít nước mắm, 8.000 kg ruốc và mắm các loại. Qua 5 ngày tham gia đã tiêu thụ hơn 85% SP, trong đó những mặt hàng như nước mắm ruốc, nước mắm cá cơm, mắm thính luôn trong tình trạng “cháy hàng”, bà Hồ Thị Giang – chủ cơ sở nước mắm Bà Giang cho hay.
Từ độ tươi ngon của nguyên liệu cùng phương thức chế biến đặc thù đã tạo ra những SP nước mắm, ruốc và mắm các loại đậm đà, thơm ngon, nồng nàn hương biển. Nhiều năm trở lại, thương hiệu mắm tép, mắm ruốc, tôm khô và nước mắm của bà Giang, bà Huê nói riêng, làng nghề nước mắm Tân Thành nói chung đã góp phần làm phong phú sản vật địa phương, được nhiều người biết đến trong những dịp Festivall Huế.
Cùng với việc cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng SP, điều luôn được các hộ sản xuất của làng nghề Tân Thành quan tâm hàng đầu là vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tất cả 35 hộ tham gia sản xuất chế biến đều nghiêm túc thực hiện theo quy chế sản xuất, tuân thủ các quy định của làng nghề.
“Ngoài những nội quy, quy định bằng văn bản, làng nghề chúng tôi có một quy tắc bất thành văn là không được sử dụng hóa chất bảo quản, nghĩa là phải cân chỉnh tỷ lệ muối phù hợp để nước mắm giữ được lâu. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người sản xuất”, bà Huê chia sẻ.
Về phía chính quyền, nhằm tạo uy tín cho SP đặc trưng của địa phương, định kỳ 3 tháng/lần, UBND xã Quảng Công phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền kiểm tra đột xuất quá trình chế biến, sản xuất của các hộ làm nghề.
“Sau khi được công nhận là làng nghề, chúng tôi luôn phối hợp với Sở Y tế kiểm tra quá trình chế biến, sản xuất tại làng nghề. Qua kiểm tra, các chủ cơ sở chế biến ở đây thực hiện rất nghiêm túc các quy định về VSATTP, cũng như chưa phát hiện tình trạng sử dụng chất bảo quản. Trong dịp lễ hội Sóng nước Tam Giang và Festivall Huế 2018 này cũng vậy, tất cả những mặt hàng trưng bày của làng nghề qua kiểm tra đều đảm bảo chất lượng”, ông Phan Gia Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền khẳng định.