Lễ hội Bóng chuyền

Kể từ ngày sau giải phóng, cứ độ Tết về là các thôn trong xã Quảng Công lại thay phiên nhau tổ chức giải bóng chuyền. Giải đấu luôn đề cao tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khỏe, không xem trọng tính ăn thua.

Đến hẹn lại lên

Đúng mùng 4 Tết, từ già trẻ, gái trai đều rủ nhau đi xem đánh bóng chuyền. Nhớ lại những năm gần đây, năm trước được tổ chức tại thôn Cương Gián, năm ngoái ở thôn 2 và năm nay là thôn An Lộc. Dù quy mô và tính chuyên nghiệp không cao, nhưng giải đấu vẫn thu hút đông đảo người xem. Ngoài những người thân đến cổ vũ cho con, cháu, anh, em đang thi đấu trong sân, nhiều người đến để tìm những giây phút thư giãn đầu năm.

Giải đấu được tổ chức theo thể thức 6 người, tính điểm, đổi cầu, thay người… được áp dụng như những giải đấu chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Toàn, thành viên Ban tổ chức Giải bóng chuyền mừng xuân Đinh Dậu chia sẻ, để đảm bảo tính công bằng, cũng như sự chính xác trong quá trình diễn ra các trận đấu, Ban tổ chức đã mời các trọng tài ở huyện về điều hành. Nhờ vậy mà giải đấu năm nay hầu như không xảy ra các tình huống gây tranh cãi.

Qua nhiều năm, giải đấu vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, tinh thần “fair play”, sự chân chất của làng quê. Mỗi khi đội nhà giành chiến thắng là tất cả các cổ động viên đều “lao” vào sân, nhảy nhót, hòa vào niềm vui thắng trận. Giải đấu được tổ chức không mang nhiều tính ăn thua, khi đội nhà đăng cai giành được chức vô địch họ sẽ nhường lại đội về nhì.

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho hay, giải đấu bóng chuyền đầu năm mới được duy trì đều đặn nhiều năm qua. Kinh phí để tổ chức đều do các thôn vận động đóng góp từ người dân. Nhờ vậy mà giải đấu được duy trì liên tục. Quảng Công luôn là địa phương dẫn đầu về bộ môn bóng chuyền của huyện. Nhiều cầu thủ qua sân chơi này đã được huyện tuyển chọn đi thi đấu ở các giải cấp tỉnh.

Cầu thủ Trần Văn Nhân, thôn Cương Giáng tâm sự, em đang sinh sống tại Sài Gòn. Năm nào cũng cố gắng về quê đón Tết, một phần về thăm nhà, một phần để tham gia giải bóng chuyền. “Nói anh đừng cho em tự tin, chứ em là trụ cột của đội bóng. Nếu em không về thì đội bóng mất nửa sức mạnh. Gần Tết mọi người trong thôn điện vào bảo dù bận thế nào cũng ra để thi đấu”, Trần Văn Nhân bày tỏ.

Vui nhất phải kể đến những người thân có con thi đấu trong sân. Là mẹ của cầu thủ chơi hay nhất của thôn 2, mỗi lần cầu thủ này nhảy lên đập bóng ghi điểm là người mẹ lại “la hét”. Chị Lê Thị Ty nói: “Cảm giác khi có con đánh bóng trong sân tuyệt lắm chú ạ. Sướng hơn là con đánh bóng hay và được mọi người khen ngợi. Đôi khi hạnh phúc của tôi đơn giản chỉ cần thấy con thi đấu bóng trên sân mà thôi”.

Thắt chặt tinh thần đoàn kết

Ông Lê Duận cho biết, những năm trước giải đấu được tổ chức trên các sân cát, để thi đấu các cầu thủ phải có sức khỏe, sự dẻo dai và sức bật tốt. Quảng Công là xã ven biển, kinh tế chủ yếu là nghề biển và nông nghiệp, nên để sống với nghề đòi hỏi người dân có sức khỏe tốt. Giải đấu là hình thức để nâng cao sức khỏe, giúp thanh niên trong xã thêm “sức mạnh” bám biển, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Đây cũng là dịp để mọi người gặp nhau, cùng chúc nhau sức khỏe đầu năm.

Thành công nhất của giải đấu là đã tạo ra được sân chơi lành mạnh cho những thanh niên trẻ. Xây dựng tinh thần đoàn kết giữa mọi người với nhau. Đó là động lực để xã  Quảng Công tiếp tục duy trì giải đấu, tiếp tục hoàn thiện hơn cho những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Ánh Cầu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Điền cho biết, giải bóng chuyền tại xã Quảng Công đã được huyện đưa vào hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống để vui xuân đầu năm mới. Huyện đã yêu cầu xã Quảng Công tiếp tục hoàn thiện, để giải đấu lành mạnh hơn, gắn kết mọi người dân với nhau hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *