Những ai đã từng về thăm làng rau Thành Trung, xã Quảng Thành có lẽ đều có cùng ấn tượng về một vùng quê mà từng mét vuông đất đều được đánh thức để đem lại thu nhập quanh năm cho người dân. Thấp thoáng trên những cánh đồng rau xanh hun hút tầm mắt hay trong những mảnh vườn nhỏ là những dáng hình của những người chị, người mẹ tảo tần chăm chút từng luống rau. Với họ, nghề trồng rau không chỉ đem lại thu nhập mà còn được trân trọng như một nghề truyền thống đã làm nên thương hiệu của địa phương
Xã Quảng Thành làng nào cũng có trồng rau, nhưng tập trung và hiệu quả nhất vẫn là ở thôn Thành Trung. Các cánh đồng đều đã được quy hoạch cho rau xanh, thậm chí, những mảnh vườn nhỏ trong nhà, trong đình làng hay bất cứ nơi đâu có thể thì đều được tận dụng để trồng rau. “Mớ rau-thau bạc”, câu nói “nằm lòng” người Hóa Châu xưa cho đến bây giờ vẫn đúng. Trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn đang hướng đến mục tiêu 50 triệu đồng/ha, thì với những cánh đồng rau Thành Trung, theo ước tính hiện nay có thể cho thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng, đó là chưa kể đến những diện tích áp dụng những mô hình mới cho sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chị Phan Thị Thôi, hội viên Chi hội Thành Trung cho biết: “ trồng rau không khó, tuy nhiên phải bỏ công sức nhiều lắm; nhưng ở nông thôn, hiếm có nghề nào lại cho thu nhập đều đặn quanh năm như nghề này”. Trồng rau như chăm con dại, phụ nữ ở Thành Trung đã quá quen với công việc thức khuya dậy sớm, chăm chút từng luống rau trong 1 đến 3 tháng tùy từng loại rau để có thu hoạch tốt.
Nghề trồng rau cũng đã tạo nên một nhịp điệu đặc trưng trong lối sống của các chị, các mẹ. Ở Thành Trung, thời điểm sôi động nhất là vào khoảng 3-4 giờ sáng, khi mà từng gánh rau xanh vừa được thu hoạch tất tả ngược xuôi lên thành phố để kịp phiên chợ sáng. Cảnh tấp nập kẻ bán người mua từ mờ sáng đã đem lại nét đặc trưng mà có lẽ vẫn còn ít người biết đến.
Tuy vậy, nghề trồng rau không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chỉ những người trồng rau lâu năm mới thấm thía những thăng trầm của nghề. Những năm trước đây, người dân chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm nên năng suất khá bấp bênh, thậm chí nhiều thời điểm còn bị mất trắng do dịch bệnh và thiên tai.
Khó khăn không lùi bước, muốn phát triển nghề truyền thống, không còn cách nào khác là phải học hỏi, áp dụng những mô hình mới vào sản xuất. Bà Huỳnh Thị Kiều- Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Từ khi triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình ” 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới , chị em hội viên đã ý thức được phải đổi mới cách làm ăn. Thay vì ngồi một chỗ trông chờ vào may mắn, nhiều chị em đã chủ động tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, hiệu quả, nhất là trong việc sản xuất rau. Mô hình “ rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap” ra đời đã thay đổi cách thức trồng rau: không chỉ hướng đến mục tiêu năng suất mà còn hướng đến người tiêu dùng. Chính việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, bón phân, đáp ứng tiêu chuẩn rau an toàn đã dần khẳng định được uy tín của sản phẩm rau trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới như “ vườn treo vượt lũ” cũng đã được chị em hội viên đón nhận, nhân rộng để thích nghi với vùng đất thấp trũng thường xuyên bị lũ lụt.
“Một nắng hai sương” với nghề, bà con nhân dân xã Quảng Thành nói chung và thôn Thành Trung nói riêng cũng đã được đền đáp xứng đáng. Về làng quê Thành Trung hôm nay, người ta có thể chứng kiến những đổi thay từng ngày. Những mái nhà tạm bợ đã biến mất nhường chỗ cho những ngôi nhà xây khang trang, trẻ em được quan tâm chăm sóc, đường làng ngõ xóm đã được đầu tư, chỉnh trang sạch đẹp, nhiều hộ gia đình đã thực sự làm giàu từ nghề trồng, thu mua rau. Người dân đã nghĩ đến cách làm bài bản hơn như tự đứng ra thu mua, sơ chế, đóng bao bì để bỏ mối cho siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trường học…Thương hiệu “rau an toàn Hóa Châu” dần khẳng định trên thị trường là minh chứng cho bước phát triển mới của nghề trồng rau truyền thống.