Lịch sử Huyện Quảng Điền
Quảng Điền là một huyện có lịch sử từ nhiều thế kỷ. Năm Mậu Ngọ nguyên niên (1558), Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Hoàng) gây dựng cơ nghiệp ở miên Nam, gồm đất xứ Thuận Quảng dựng dinh ở Ái Tử, đổi huyện Đan Điền thành huyện Quảng Điền.
Năm Đinh Mão nguyên niên (1687) Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Trăn) dời dinh đến Phú Xuân. Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), Thể Tổ Cao Hoàng đế (Gia Long), trích đất 3 huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phúc Vinh đặt là dinh Quảng Đức. Quảng Điền lúc này là cương vực dinh Quảng Đức.
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi dinh Quảng Đức thành Thừa Thiên phủ. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) cắt bớt đất hai tổng huyện Quảng Điền cho huyện Phong Điền (3 huyện Phong Điền, Hương Thuỷ, Phú Lộc là đất được cắt ra từ 3 huyện Quảng Điền , Hương Trà, Phú Vang). Quảng Điền lúc này có 5 tổng, 58 xã, thôn, phường, ấp Trực thuộc Thừa Thiên phủ.
Năm Tự Đức thứ 6 (1853) hiệp Quảng Trị và Thừa Thiên đặt thành đạo Quảng Trị. Năm Tự Đức 29 (1876) lại tách thành hai tỉnh. Quảng Điền lúc này là một huyện của tỉnh Thừa Thiên.
Dưới thời Pháp thuộc, với chính sách “chia để trị”, năm 1886 thực dân Pháp cải tổ bộ máy hành chính chia Việt Nam thành 3 kỳ. Quảng Điền là một huyện của tỉnh Thừa Thiên trực thuộc xứ Trung Kỳ.
Năm 1954, thực hiện chính sách “chia để trị”, bằng Nghị định số: 214/HC, ngày 17 tháng 5 năm 1958, ngụy quyền Sài Gòn đã xáo trộn địa bàn hành chính với nhiều bậc trung gian. Tỉnh Thừa Thiên bị chia nhỏ thành 9 quận trực thuộc Trung nguyên – Trung phần. Trong Tinh thần đó, Quảng Điền bị cắt một số xã của quận Hương Điền, một số xã của quân cũng bị cắt nhập thành các xã mới.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến ngày 01 tháng 5 năm 1976 Thừa Thiên Huế hợp nhất với Quảng Bình, Quảng Trị thành tỉnh Bình Trị Thiên. Thực hiện chủ trương đó, tháng 3 năm 1977 Quảng Điền hợp nhất, Hương Trà, Phong Điền thành huyện Hương Điền. Tháng 10 năm 1990 tách ra thành huyện Quảng Điền với Địa bàn hành chính như cũ.
Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Quảng Điền là một huyện phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 15 km về phía Bắc. Huyện Quảng Điền có trung tâm huyện là thị trấn Sịa.
– Phía Đông và Nam giáp huyện Hương Trà;
– Phía Tây và Tây – Bắc giáp huyện Phong Điền;
– Phía Bắc và Đông – Bắc giáp biển Đông.
Với giới hạn đó Quảng Điền nằm gọn trong khoảng 16o30’58”- 16o40’13” vĩ độ bắc và 107o21’38”- 107o34’ kinh độ đông.
Diện tích tự nhiên của huyện 16304,5 ha, hình thành 3 vùng: Vùng đất thịt ruộng lúa phì nhiêu của lưu vực sông Bồ, vùng đất cát khô cằn và vùng ven biển, đầm phá, nguồn thuỷ hải sản khá phong phú.
Bình quân đất tự nhiên theo đầu người năm 2017 là 1993,8 m2/ người.
2. Chế độ khí hậu, thời tiết
Thừa Thiên Huế nói chung và Quảng Điền nói riêng có một mùa mưa lệch pha so với hai miền Nam – Bắc. Mùa mưa ở đây trùng với mùa Đông – lạnh. Vì vậy, cỏ cây, hoa, lá, động vật ở Quảng Điền cũng nằm trong vùng đệm giữa thế giới sinh vật Ấn Hoa (Indo – chine).
Nằm gọn trong vùng nhiệt đới gió mùa, địa hình vừa có duyên hải, vừa có cao nguyên, khí hậu Thừa Thiên Huế nói chung và Quảng Điền nói riêng có hai mùa rõ rệt:
- Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, chịu ảnh hưởng gió Tây Nam nên không khí khô nóng, oi bức.
- Mùa mưa từ tháng 9 năm trước đến tháng tháng 2 năm sau. Tháng 9, 10 thường kéo theo lũ lụt. Tháng 11 mưa dai dẳng.
3. Đặc điểm thuỷ văn
Sông ngòi ở Thừa Thiên Huế phần trung lưu ngắn và dốc, phần hạ lưu hầu hết chảy qua đồng bằng ven phá Tam Giang. Dòng chảy các con sông chịu ảnh hưởng của mưa là chính.
Sông ngòi chảy qua huyện Quảng Điền có sông Bồ bắt nguồn từ dãy núi Sơn Hồ chảy qua bên Phú Ốc đến Phú Lễ chia ra một chi chảy quanh ra phía Bắc đến các làng Cổ Tháp, Sơn Tùng, chảy qua Nam Dương hiệp với sông Nam Phù chảy vòng lại phía Đông Bắc đến thôn An Xuân rồi đổ ra phá Tam Giang; sông Kim Đôi ở phía Đông Nam huyện là một nhánh của sông Hương. Từ địa giới làng Thanh Phước thuộc huyện Hương Trà chia ra một nhánh chảy về phía Bắc, đến sông Kim Đôi hiệp lưu với sông Thanh Hà chảy qua đông bắc đến chỗ Quán Cửa rồi trút vào phá Tam Giang.
Đây là hai con sông lớn nối liền với nhiều kênh, mương khá dày đặc, là nguồn nước, nguồn phù sa màu mỡ bồi đắp cho nhiều cánh đồng phì nhiêu của các xã Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phú…
Nguồn nước ngầm ở Quảng Điền khá dồi dào, rất dễ khai thác và sử dụng có hiệu quả vào mục đích sản xuất, sinh hoạt.
Tóm lại, với vị trí địa lý, chế độ khí hậu – thời tiết và thuỷ văn nêu trên của huyện Quảng Điền, rất thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Giao thông và hệ thống sông ngòi
Là một huyện vùng trũng tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm phía Bắc lưu vực sông Bồ và phía Tây phá Tam Giang nên giao thông rất tiện lợi. Về đường bộ có đường tỉnh lộ nối với quốc lộ 1A-Sịa-An Lỗ; Sịa Tây Ba-Bao Vinh-Huế, Sịa-Phong Lai liền với nhiều xã Phòng Điền, tuyến đường ven biển Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền đến Hải Lăng (Quảng Trị)-đường 68, hầu hết các xã đều có đường ôtô đi lại thuận tiện.
Về đường thuỷ, có sông Bồ bắt nguồn từ dẫy núi Sơn Hồ chảy qua bến Phú Ốc đến Phú Lễ chia ra một chi chảy quanh ra phía Bắc đến các làng Cổ Tháp, Sơn Tùng, chảy qua Nam Dương hiệp với sông Nam Phù chảy vòng lại phía Đông Bắc đến thôn An Xuân rồi đổ ra vùng phá Tam Giang.
Sông Kim Đôi ở phía Đông Nam huyện là một nhánh của sông Hương. Từ địa giới làng Thanh Phước thuộc huyện Hương Trà chia ra một nhánh chảy về phía Bắc, đến sông Kim Đôi hiệp lưu với sông Thanh Hà chảy ra đông bắc đến chỗ Quán Cửa rồi trút vào vùng biển Tam Giang. Đây là hai con sông lớn nối liền với nhiều kênh, hói, ngang dọc khác, là nguồn nước, nguồn phù sa màu mỡ bồi đắp cho nhiều cánh đồng phì nhiêu của các xã Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phú….
Quảng Điền có nhiều đầm phá thông với biển cả. Vùng biển Tam Giang (phá Tam Giang) – xưa gọi là “biển can” (Hạc Hải). Năm Minh Mạng Thứ 2 (1821) đổi tên là phá Tam Giang. Từ bờ phía Nam đến bờ phía Bắc dài 35 dặm, từ bờ phía Đông đến bờ phía Tây rộng độ 6 dặm; từ sông Lương Điền chảy xuông vùng biển, phía Tây Nam có ngã 3 sông: Cửa Tả Giang, Cửa Trung Giang, Cửa Hữu Giang. Mỗi sông đều chảy 2-3 dặm rồi nhập tại cho nên gọi là vùng biển Tam Giang; rồi chảy qua Đông Nam 25 dặm rồi hiệp với sông Hương chảy ra cửa biển Thuận An.
Đầm Bát Vọng đầm Hạ Lạc nằm giữa địa phận 2 huyện Hương Trà và Quảng Điền. Đầm An Gia và An Xuân nằm ở phía Đông và Đông -Nam huyện.
Chính hệ thông đầm phá này đã đem lại cho Quảng Điền nhiều thế mạnh, nhân dân quanh đó ở xã Quảng Ngạn, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành thường chở hàng xuôi ngược tấp nập xuốt đêm ngày trên đầm phá.
Kinh tế
Vốn là một huyện từ xưa có nhiều ngành thủ công truyền thông, tuy có một số nghề ngày nay đã mai một (như trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa….) nhưng có một số nghề vẫn tồn tại và phát triển như đan lát ở Bao La, làng tơi nón ở Ô Sa, nuôi vịt đàn, ấp trứng ở Thủ Lễ, là bún ở Thanh Cần, mộc nề vùng Sịa, Tây Ba, trồng rau màu ở Thành Trung….Từ nền kinh tế đó, đã tạo nên nhiều chợ lớn, nhỏ và có nơi đã thành trung tâm mua bán, lưu thông có tiếng như Sịa, Tây Ba…. những vùng đất -vệ tinh-gắn bó với kinh đô Huế một thời.
Quảng Điền là một vùng đất thấp trũng, vựa lúa của tỉnh, chiếm diện tích hơn 8684ha. Đây là địa bàn quần tụ dân cư rất sớm. đời sống cư dân chủ yếu là kinh tế nông nghiệp như các xã Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng Phú, Quảng An, Quảng Thành….
Vùng cát nội địa, diện tích 4718ha; đại bộ phận đất chua phèn, úng ngập về mùa mưa, khô hạn về mùa nắng. Đời sống dân cư chủ yế là nông nghiệp, kết hợp một số cây công nghiệp như Quảng Lợi, Quảng Thái…
Vùng cát biển, đầm phá, diện tích 2292ha; đất trơ trụ, đại bộ phận là đất cát trắng, nghèo dinh dưỡng. Đời sống dân cư chủ yếu là ngư nghiệp. vùng này còn đang trỗi dậy việc triển khai kinh tế nuôi trồng hải sản (nuôi tôm, cua xuất khẩu…).
Văn hóa
Về đời sống văn hoá, Quảng Điền có nhiều lễ hội đặc sắc: Đua thuyền mùa xuân, viếng thăm, ca múa vào mùa hạ, lễ an táng người chết thường có múa hát trước quan tài là “hò đưa linh”, trong hỏi cưới thường dùng tiền “mắt ngỗng” là của giá thú; trong các dịp cúng bái, tế lễ ngoài cổ bàn linh đình còn có hát chầu văn…..
Con người
Nhiều tên đất, tên làng khi nhắc đến đã gợi nhớ tinh thần ham học, cầu tiến của nhân dân từ thời Hán học cực thịnh với nền học vấn khoa Bảng như: Phước Yên, Xuân Tùy, Phổ Lại, Niềm Phò… Trọng nhân nghĩa, đạo lý; sống có thuỷ có chung; đượm tình người, lòng nhân ái bao la…là phong cách sống có từ ngàn xưa của người dân Quảng Điền. Có người đỗ tiến sĩ, Phó bảng không chịu ra làm quan, có người làm quan thì rất liêm khiết và có dũng khí đấu tranh chống bọn xâm lược như Trần Thúc Nhẫn (Niêm Phò) – một đại thần đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp giữ cửa biển Thuận An năm 1883; Đặng Huy Phổ – là tri huyện Quảng Điền cũng từ bỏ con đường hoàn lộ theo Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết chống giặc Pháp xâm lược, bị xử chém; Phò mã Nguyễn Đình Tứ (Phước Yên) cùng hai em là Nguyễn Đình Long và Nguyễn Đình Cán tham gia vụ Hồng Tập chống lại Tự Đức, bị xử chém… Những quan lại thanh liêm nổi tiếng như Cao Đặng Đệ (Phước Yên), Trần Đạo Tiến (Đông Lâm Hạ); có người học cao nhưng ghét chế độ thối nát đương thời về “ẩn sĩ” như Ngô Thế Lân (Phù Lai).
Quảng Điền cũng là đất sản sinh ra nhiều tướng tài, nhiều văn thân yêu nước dưới các triều đại khác nhau. Các ông Đặng Tất và Đặng Dung (Bát Vọng) và tưởng giỏi triều Trần (hậu Trần) theo giúp Trần Giản Định và Trần Quý Khoáng đã lừng danh qua các trận đánh chống Trương Phụ (tương nhà Minh) ở Bố Cô và Thái Cảng.
Tiếp nối truyền thống cha ông, trong hai cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước đã nổi lên hình ảnh những người con ưu tú, những nhà cách mạng trung kiên, những nhà thơ lỗi lạc mà tiêu biểu là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Niêm Phò), Tố Hữu (Lai Trung) – là Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng Sản Việt Nam, và nhiều đồng chí khác một thời làm cán bộ chính trị, quân sự, khoa học đã góp phần mình trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng Tổ quốc, quê hương.