Cháo gạo đỏ

Gạo đỏ Quảng Điền vốn là sản phẩm quen thuộc được nhiều người dân ở Huế sử dụng. Trước đây, do năng suất thấp cùng với việc có thêm nhiều giống lúa ngắn ngày được đưa vào sản xuất nên giống lúa gạo đỏ hầu như không còn được trồng. Năm 2010, trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế đã giúp một số hộ nông dân xã Quảng Lợi về giống, kỹ thuật, phân bón để phục tráng thử nghiệm lại giống lúa gạo đỏ trên diện tích 1ha. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 20 năm, giống lúa gạo đỏ trồng ở vùng nước nhiễm mặn Quảng Lợi được phục tráng. Xuất phát từ mong muốn tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân, gạo đỏ nơi đây được đăng ký với thương hiệu gạo đỏ Quảng Điền

“Gạo đỏ Quảng Điền” được xem đặc sản vì sản lượng ít, nhưng hạt gạo nhiều dinh dưỡng và được xem là một vị thuốc trong đông y. Do vậy, người tiêu dùng rất ưa chuộng nên bán được giá cao. Gạo đỏ mọc trên ruộng đồng thiếu ngọt thừa mặn tương lai sẽ mềm cơm hơn và trở thành thương phẩm xuất khẩu với chỉ dẫn địa lý “Gạo đỏ Quảng Điền

Cuộc sống ngày càng đầy đủ nhưng trong tâm thức nhiều người, nhất là người Huế xa quê vẫn thèm một món ăn dân dã, mang hương vị quê nhà đó là thứ cháo gạo đỏ ăn với cá bống thệ kho rim. Gạo đỏ xay xát còn lớp cám mỏng quanh hạt đem nấu cháo ít nát và giữ được mùi thơm. Trong lúc chờ cháo chín, cá bống thệ bắt nơi dòng nước chảy xoáy sông Truồi làm sạch, mổ bụng tách ruột giữ lại trứng cho vào niêu đất ướp với mắn muối tiêu… Khoảng một giờ sau thêm thịt heo mỡ thái nhỏ đem kho lửa liu riu. Tiếp đó, nêm ớt chín đỏ nguyên trái, rau răm và đường bát chẻ thành viên, đặc biệt là không nêm thêm bột ngọt hoặc ruốc như khi kho các loại cá khác. Khi dọn ra đĩa, thịt cá bống thệ vàng ươm, gần như trong suốt, còn thân cá săn cứng cong hình chữ C, người Huế gọi “cá ngó đuôi”…

Cháo gạo đỏ ăn với cá bống kho tộ, được coi là món ăn vừa bình dân vừa bổ dưỡng của người Huế. Gạo đỏ xay xát còn lớp cám mỏng quanh hạt đem nấu cháo ít nát và giữ được mùi thơm. Đây gần như là món ăn sáng quen thuộc của nhiều thế hệ người dân từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Lúc này, nồi cháo gạo đỏ đã chín mở nắp ra, nghe thơm nồng mùi gạo mới. Múc ra tô, gắp vài con cá bống thệ, vừa ăn vừa ngậm mà nghe mùi vị béo ngậy của gạo đỏ, vị mặn ngọt cá bống kho khô như hương lúa quê đồng gió nội nên dân gian mới có câu ca: “Cơm với cá như mạ với con”.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *